Những Thói Quen Giáo Dục Của Gia Đình Khiến Trẻ Học Kém

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những khả năng tiềm ẩn. Việc phát huy hay làm thui chột năng lực bẩm sinh của trẻ trong tương lai một phần là do thói quen của cha mẹ.

Theo các chuyên gia giáo dục, sau đây là những thói quen xấu của các bậc cha mẹ, không những không làm cho trẻ học tốt hơn, mà thậm chí còn làm thui chột năng lực của trẻ, khiến trẻ ngày càng kém đi.



1. Luôn hỏi về vị trí của trẻ trong lớp

Cha mẹ không nên khẳng định hay phủ nhận năng lực của con mình bằng việc dựa vào thứ hạng của điểm thi sau các kỳ thi. Việc liên tục nhấn mạnh đến thứ hạng của đứa trẻ khi đứa trẻ không được đứng thứ hạng cao hay đứng đầu lớp chắc chắn sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy tự ti.

Và việc soi vào kết quả thi của trẻ để đánh giá năng lực thực sự của trẻ sẽ khiến cho trẻ ngộ nhận, từ đó mắc hội chứng tự phủ nhận, nghĩ mình dốt sẽ không chỉ làm giảm hiệu quả học tập mà còn cản trở sự phát triển chung của chúng trong tương lai.

Xem thêm: Những Câu Cha Mẹ Không Nên Nói Khi Lì Xì Mừng Tuổi Cho Con

2. Thường đổ lỗi cho con khi thất bại

Khi đứa trẻ chưa thành công hay thất bại, đó không phải là vấn đề hoàn toàn do con, mà còn có nhiều yếu tố liên quan khác. Nếu đánh giá sự thất bại hoàn toàn là do lỗi của chính nó chính là một cái nhìn phiến diện.

Ví dụ, khi hai đứa trẻ cùng bị điểm kém khi làm bài kiểm tra, phụ huynh A nói với đứa trẻ: "Bố mẹ rất quan tâm đến điểm kiểm tra của con, nhưng bố mẹ tin rằng bài kiểm tra này chưa phản ánh đúng trình độ của con. Con phải cố gắng lên nhé!".

Phụ huynh B nói với đứa trẻ: "Sao con lại dốt như vậy! Nếu con không biết làm một câu hỏi đơn giản như vậy, sau này chắc chắn con sẽ không thể thi đỗ vào đại học".

Từ ví dụ, chúng ta có thể thấy, phụ huynh A đang truyền tải cho con một thông điệp về sự quan tâm và yêu thương, trong khi phụ huynh B lại cho con nghe những thông điệp thể hiện sự lo lắng, tiêu cực và oán trách.

Lời nói của phụ huynh A có thể kích thích sự nhiệt tình của trẻ em để học hỏi thêm và tập trung vào giải quyết vấn đề, nhưng lời nói của phụ huynh B vô tình làm giảm sự nhiệt tình học tập và sự tự tin của trẻ em. Trẻ thường sống theo mong đợi của cha mẹ và giáo viên, và những dự đoán tiêu cực cho trẻ em có thể gây hại đến tương lai của đứa trẻ.

3. Thường xuyên ngăn không cho trẻ chơi và ra lệnh cho trẻ ngồi vào bàn học

Chơi là bản chất của trẻ, nếu bạn mù quáng ngăn trẻ lại, thường xuyên cấm trẻ chơi và ép học chính là sai lầm rất lớn trong giáo dục.

Nếu bạn luôn ép trẻ học không ngừng, con bạn chắc chắn sẽ cảm thấy nhàm chán mỗi lần phải ngồi vào bàn học. Giáo dục thành công là chuyển từ "bắt con học" thành "con muốn học" để trẻ có hứng thú học tập hơn. 

Xem thêm: 5 Quy Tắc Cha Mẹ Ước “Giá Mà Mình Biết Sớm Hơn” Khi Nuôi Dạy Con

4. Quá nhiều sự áp đặt trong cuộc sống và học tập

Nếu cha mẹ muốn làm cho con mình có diện mạo mới, phong thái mới trong học tập, trước tiên họ phải thay đổi chính mình, phải loại bỏ những khuôn mẫu cũ, kinh nghiệm cũ và cách làm cũ trong tâm trí trẻ càng nhiều càng tốt, đồng thời áp dụng những ý tưởng mới, mô hình mới và cách làm mới để tạo thói quen tốt cho trẻ, lâu dần trở thành bản năng của trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ đang có những cách tiếp cận tương đối rập khuôn đối với vấn đề giáo dục con cái. Một số phương pháp trong số đó được thực hành đúng, nhưng không ít trong số đó chắc chắn là không đúng.

Nếu con bạn rèn luyện và giáo dục rất thành công, năng lực học tập tốt, tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn và cách giao tiếp với cha mẹ của trẻ đều xuất sắc, bạn không cần lo lắng khi trẻ đến một độ tuổi nhất định, bạn không cần lo lắng gì về việc thi vào cấp 2 hay đại học, tương lai của trẻ hoàn toàn không phải lo lắng, nếu bạn hoàn toàn làm được điều này thì có thể nói phương pháp giáo dục gia đình của bạn là đạt tiêu chuẩn.

Còn nếu rơi vào trường hợp, càng dạy con bao nhiêu, thành quả nhận được không được như bạn mong đợi, thì bạn buộc phải xem lại phương pháp của mình. Khi bạn dạy trẻ chưa thành công, thì hoặc là phương pháp chưa đúng, hoặc là bối cảnh chưa đúng, hoặc là chưa phù hợp với cá tính của chính con bạn. Hãy sớm thay đổi bằng cách nhìn vào kết quả của trẻ, sự thay đổi theo hướng tích cực của trẻ.

Những Câu Cha Mẹ Không Nên Nói Khi Lì Xì Mừng Tuổi Cho Con

Giáo dục trẻ không chỉ là việc dạy bảo con cái mà ngay cả lời ăn tiếng nói và hành động của chính cha mẹ cũng cần cẩn trọng. Tết này, khi lì xì cho con, các bậc phụ huynh hãy thử thay đổi một chút trong từ ngữ để trẻ được vui hơn.

Lì xì là một điều không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân Việt Nam và đã trở thành phong tục lâu đời. Do đó, cứ mỗi khi đến dịp xuân về, trẻ nhỏ sẽ vô cùng háo hức chờ đợi cha mẹ và người thân phát tiền mừng tuổi.


Song, đôi khi vì quá vô tư, khi lì xì cho con, cha mẹ lại có cách nói chưa phù hợp gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Điều này lâu dần sẽ hình thành nên tính cách, thậm chí làm trẻ không còn vui vẻ nữa. Vậy, cha mẹ nên tránh nói với con điều gì?

1. Con còn nhỏ không biết tiêu tiền, để bố mẹ cầm cho

Nhiều bố mẹ thấy con được người khác mừng tuổi thường nói "Con không biết tiêu tiền để bố mẹ giữ cho''. Câu nói xuất phát từ lo lắng của cha mẹ rằng con còn nhỏ, có thể sử dụng tiền một cách tùy tiện hoặc bất cẩn làm mất. Tuy nhiên, nói như vậy có thể làm tổn thương trái tim trẻ nhỏ và dán nhãn "con không quản lý được tiền".

Lì xì là phong tục được trẻ mong chờ nhất dịp Tết nhưng nếu cha mẹ dùng lời nói không phù hợp cũng khiến trẻ bị tổn thương

Đứa trẻ thường nảy sinh hai cảm xúc tiêu cực. Nổi loạn vì nghĩ mình bị cha mẹ tước đoạt quyền lực tài chính hoặc thất vọng vì không được tôn trọng do bị cha mẹ trực tiếp phủ nhận khả năng quản lý tài chính.

Với con trẻ, kỹ năng quản lý tài chính cần được trau dồi ngay từ nhỏ. Thay vì kiểm soát tiền, cha mẹ nên dạy con cách phân bổ tiền một cách khoa học, hợp lý.

Xem thêm: 5 Quy Tắc Cha Mẹ Ước “Giá Mà Mình Biết Sớm Hơn” Khi Nuôi Dạy Con

2. Nhận tiền mừng tuổi là con phải ngoan ngoãn, lễ phép nhé

Cơ chế khen thưởng này tưởng hiệu quả nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho trẻ. Đầu tiên, cha mẹ cho con một gợi ý: mọi thứ mình làm đều có mục đích. Sự vâng lời, ngoan ngoãn của mình là để được thưởng, chứ không phải trong lòng chúng nghĩ cần phải thế.

Nói như vậy là cha mẹ cũng đang ám chỉ với con rằng tình yêu họ dành cho con là tình yêu có điều kiện, "con ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ học hành thì sẽ thưởng". Trẻ cảm thấy rằng mình chỉ có thể được yêu thương khi ngoan ngoãn và học giỏi.

Các chuyên gia cho rằng bản thân tiền mừng tuổi là lời chúc tốt đẹp của người lớn đến trẻ nhỏ, không phải công cụ giáo dục và so sánh vật chất. Khi mừng tuổi cho con, hãy quay về với bản chất của nó, là tấm lòng yêu thương con trẻ. Như vậy, không chỉ trẻ không bị tổn thương, mà người lớn cũng không quá nặng nề về khoản tiền nên mừng nhiều hay ít.

Bên cạnh chú ý về ngôn ngữ, việc hướng dẫn và định hướng giúp con tiết kiệm tiền lì xì một cách hợp lý, khoa học và tránh đi những tiêu pha hoang phí cũng vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp các bé thêm ý thức được cách chi tiêu và quản lý tiền của mình.

Xem thêm: 9 Thói Quen Tốt Cha Mẹ nên Rèn Con NGAY

3. Dạy trẻ sử dụng tiền đúng cách và tự quyết định tiền của mình

Đối với một số phụ huynh tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, việc dạy trẻ quản lý về tài chính ngay từ nhỏ là một trong những điều phổ biến và khá quan trọng. 

Sớm dạy trẻ hiểu và xây dựng kế hoạch sử dụng một cách hiệu quả sẽ giúp các bé có thể tự quyết định về các khoản chi cần thiết nhằm tránh lãng phí. Cha mẹ hãy trò chuyện và dạy con cách quản lý tiền bạc ngay từ nhỏ 

Từ đó, cha mẹ Việt có thể tham khảo phương thức trên để trò chuyện, hướng dẫn bé quản lý tiền khi nhận được tiền lì xì vào dịp đầu năm mới.

Đối với những trẻ ở độ tuổi từ 8 tuổi trở lên, hãy khuyến khích con biết cách tiết kiệm để có thể mua những món đồ cần thiết phục vụ cho học tập, hay sử dụng trong đời sống thường ngày. Điều này sẽ giúp ích cho các bé có được tính tự lập, duy trì thói quen lên kế hoạch chi tiêu cho tương lai.

Xem thêm: 101 Cách Dạy Con Của Người Do Thái

4. Mở tài khoản tiết kiệm

Đối với những đứa trẻ nhận được khá nhiều tiền lì xì, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc và gợi ý cho trẻ về việc mở một tài khoản tiết kiệm. Điều này sẽ giúp con có thể giữ được khoản tiền và sau này có thể sử dụng khi cần đến. Bên cạnh đó, các trẻ sẽ thêm phần hào hứng bởi cảm giác mình đang dần trưởng thành, có ý kiến nhất định trong việc chi tiêu của cá nhân.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em, việc cha mẹ thường xuyên hỏi ý kiến của con cũng như cùng đưa ra nhiều giải pháp trước khi có quyết định cuối cùng sẽ khiến các bé cảm thấy mình được tôn trọng, tự có chính kiến và đưa ra quan điểm mà không bị áp đặt phải theo ý kiến của cha mẹ.

Việc khéo léo điều chỉnh thái độ của con, hay cách dạy dỗ tinh tế của phụ huynh sẽ giúp các bé tự tin, quyết đoán khi gặp bất cứ trở ngại nào trên bước đường sau này.

5 Quy Tắc Cha Mẹ Ước “Giá Mà Mình Biết Sớm Hơn” Khi Nuôi Dạy Con

Một vài nguyên tắc trong số này có thể trái ngược với các quan điểm dạy con truyền thống nhưng rất đáng để cha mẹ tham khảo.

Cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từng nói: "Có một phẩm chất có thể khiến một người trở nên nổi bật so với những kẻ tầm thường, đó không phải là tài năng, học vấn hay IQ, mà là tính kỷ luật".



Kỷ luật tự giác có thể quyết định phần lớn liệu một người có thể đạt được thành công hay không. Vì vậy, rèn luyện cho trẻ tính tự giác ngay từ nhỏ là yếu tố hàng đầu quyết định tương lai sau này.

Dưới đây là 5 quy tắc dạy dỗ con cái cha mẹ nên biết, điều đáng nói là nó trái ngược với một số quy tắc thông thường.

1. Để con cái tự quyết định thời gian ngủ

Trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều cha mẹ bị ràng buộc bởi những quy tắc trong quá khứ và sự giới hạn tư duy. Nếu phá bỏ được bức tường trong suy nghĩ truyền thống của mọi người, sau đó thuận theo bản tính của trẻ sẽ tìm ra được phương pháp nuôi dạy con phù hợp.

Tại một số gia đình, thời gian đi ngủ thường là 9h30 nhưng luôn có những đứa trẻ mải mê chơi tới 10h hoặc 11h. Cha mẹ thường đấu trí với trẻ, răn đe hay mềm mỏng đều không hiệu quả.

Có một người cha cho con mình tự quyết định thời gian ngủ hằng ngày nhưng phải tuân thủ 3 nguyên tắc:

- Tự do quyết định thời gian ngủ nhưng không gây thương tích cho bản thân và ảnh hưởng tới người khác.

- Sáng hôm sau tự thức dậy không cần cha mẹ gọi, phải tự đặt đồng hồ báo thức.

- Nếu không thể dậy vào sáng hôm sau hoặc đến trường muộn, học mất tập trung, bản thân phải thành thật giải thích với giáo viên.

Sau một thời gian, bọn trẻ đi ngủ lúc 10 giờ.

Đối với trẻ em, tự do có nghĩa là kỷ luật tự giác, cha mẹ có thể cố gắng cho trẻ không gian và sự tự do, nhưng họ phải đặt ra các quy tắc và để trẻ tự khám phá các ranh giới.

Xem thêm: 101 Cách Dạy Con Của Người Do Thái

2. Trẻ được tự do chọn cách học theo mình muốn

Trẻ học bài thường mất tập trung, xao nhãng, lơ mơ khi học bài khiến nhiều cha mẹ đau đầu. Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ hãy:

- Để trẻ tự quyết định tư thế ngồi làm bài tập của mình. Không bắt chúng ngồi nghiêm túc, có thể đứng hoặc vừa học vừa ăn.

- Để trẻ tự quyết định nơi làm bài tập về nhà. Cho dù đó là trong phòng làm việc, phòng khách hay phòng ngủ, trẻ có thể làm bài tập ở bất cứ đâu chúng muốn.

- Cải tạo nhà thành nơi có nhiều sách từ ghế sofa, giá đỡ đàn piano, nhà vệ sinh, v.v. để trẻ có thể lấy sách bất cứ lúc nào.

Xem thêm: 4 Kiểu Cha Mẹ 'Giả Vờ' Khiến Tương Lai Con Cái Xán Lạn

3. Cho trẻ chơi game

Về việc cho con chơi game, đây là vấn đề đau đầu của rất nhiều bậc cha mẹ. Cha mẹ không nên cấm đoán mà cần đặt ra các quy tắc và thỏa thuận với trẻ.

Khi một đứa trẻ chơi game, chúng sẽ không có ý thức về thời gian. Vì thế, cần đặt ra quy tắc, chẳng hạn như trẻ chỉ có thể chơi 15 phút từ thứ 2 – thứ 6, 1 tiếng vào thứ 7 và CN.

Cuối cùng, hãy để trẻ đếm thời gian chơi game của mình và xem lại nó mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần. Trong quá trình này, trẻ sẽ dần học được cách phân bổ và quản lý thời gian của mình.

Nhiều bậc cha mẹ có tâm lý không hài lòng với việc con cái chơi game, cho rằng chơi game là lãng phí thời gian, vô bổ. Điều cha mẹ phải làm là giao tiếp nhiều hơn với trẻ chứ không chỉ nhìn vẻ bề ngoài, nếu không sẽ khó giải quyết vấn đề cơ bản.

4. Rèn luyện tư duy cạnh tranh

Trẻ cần có tư duy cạnh tranh để có thể vượt qua giới hạn bản thân và phát triển tốt hơn. Trong trường hợp này, cha mẹ cần làm 2 việc:

- Giúp con bạn đặt mục tiêu, thử thách

Nếu trẻ thích không khí cạnh tranh, cha mẹ nên tạo cơ hội để thúc đẩy trẻ tiến lên, giúp chúng đặt ra những mục tiêu đầy thách thức, khuyến khích không ngừng bứt phá bản thân. Tất cả những điều này rất có lợi cho việc rèn luyện tư duy cạnh tranh của trẻ.

- Khi trẻ vượt qua mục tiêu nhỏ, hãy tạo cho trẻ cảm giác nghi thức

Sau khi trẻ đạt được mục tiêu, cha mẹ có thể tổ chức cho trẻ một số hoạt động có ý nghĩa, tạo cho trẻ cảm giác lễ nghi, kỷ niệm khoảnh khắc thành công của mình.

Xem thêm: Vì Sao Trẻ Không Nghe Lời BẠN?

5. Nhấn mạnh vai trò của gia đình

Nếu cha mẹ có thể trở thành “đồng đội” với con mình, có nghĩa là cùng con vượt qua thử thách, chia sẻ sở thích, tham gia các hoạt động thể thao… Một khi có cha mẹ bên cạnh cùng, trẻ sẽ nhận được gấp đôi kết quả với một nửa nỗ lực.

Một đứa trẻ nếu nhận được sự an toàn, hạnh phúc, tình yêu thương từ cha mẹ, chúng có thể trở nên lạc quan, dũng cảm, ấm áp và tốt bụng. Chỉ khi cha mẹ dành cho con mình đủ tình yêu thương, trẻ sẽ trở thành người như cha mẹ mong muốn.

Nguồn sưu tầm

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

9 Thói Quen Tốt Cha Mẹ nên Rèn Con NGAY

Cha mẹ thông thái sẽ không để lại nhiều bất động sản hay tiền tiết kiệm cho con cái, mà dạy chúng bằng lời răn dạy gương mẫu, rèn luyện thói quen quý giá nhất từ khi còn nhỏ.

Nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói: "Gieo một hành động gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận". Để đạt được sự thành công không phải vận may từ trên trời rơi xuống, cũng không phải tự nhiên có mà cần phải bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất trong công việc và cuộc sống.



1. Liên tục đọc sách

Đọc sách cũng như ăn ngủ, là một cách sống của con người. Thức ăn nuôi dưỡng cơ thể, và sách nuôi dưỡng tinh thần. Đọc nhiều sách hơn có thể mở rộng tầm nhìn và cải thiện khả năng nhận thức. 

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng những cuốn sách mình đã đọc chỉ thoáng qua và không còn nhớ nữa, nhưng thực ra chúng nằm trong tâm tính, trong lời nói, trong suy nghĩ và tất nhiên là cả hành động của mình. Hãy tạo thói quen đọc sách và cùng con đọc sách.

Xem thêm: 101 Cách Dạy Con Của Người Do Thái

2. Học cách biết ơn

Trong cuộc sống, con có thể không giàu sang, có thể không có sự nghiệp lớn, nhưng nhất định phải học cách biết ơn. Những đứa trẻ biết ơn sẽ hiểu được sự vất vả của cha mẹ, trân trọng những người xung quanh. Chúng cũng sẽ có sự bình yên trong tâm hồn.

3. Kết bạn

Bạn bè xung quanh mỗi người thực sự quan trọng. Kết bạn tốt sẽ thành công trong cuộc sống; kết bạn xấu hủy hoại tương lai. Trong cuộc đời này, có thể tiến xa hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc con kết bạn với ai và bước đi cùng ai.

4. Tính độc lập

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy học cách "buông bỏ" và dạy con kỹ năng sống. Khả năng xem xét và giải quyết vấn đề một cách độc lập là một kỹ năng sinh tồn mà một người phải sở hữu.

Độc lập không chỉ đề cập đến hành động trong cuộc sống, mà còn đề cập đến sự độc lập của tinh thần. Tự do, điềm đạm, điềm tĩnh, tao nhã đều bắt nguồn từ sự độc lập. Độc lập cho phép con không phụ thuộc vào người khác và không sợ khó khăn trong tương lai. Độc lập là sự tự tin vô biên của chính mình.

Xem thêm: 10 Thói quen giúp duy trì và làm tăng lượng sữa mẹ

5. Tôn trọng

Người tôn trọng và yêu thương người khác sẽ được yêu mến, tôn trọng. Tôn trọng đời tư của người khác, không buôn chuyện, không lan truyền; tôn trọng sự quan tâm của cha mẹ; tôn trọng lỗi lầm của người khác, không cười nhạo...

Dạy con, tôn trọng người khác là điều bắt buộc trong cuộc sống và là quy tắc tốt nhất để mọi người giao tiếp với nhau.

6. Học cách lắng nghe

Tại sao con người chỉ có một miệng mà lại có hai tai? Đó là vì chúng ta cần nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Lắng nghe là cách tốt nhất để chúng ta hiểu người khác, đồng thời cũng là một loại trí tuệ để giao tiếp với người khác.

7. Nói những điều tốt đẹp về người khác sau lưng họ

Dặn con, dù thế nào cũng đừng nói xấu sau lưng người khác, khi nghe ai đó nói xấu, hãy mỉm cười. Nếu phải nói, hãy nói những lời tốt đẹp; họa từ miệng mà ra, phúc cũng từ miệng mà ra.

Xem thêm: 4 Kiểu Cha Mẹ 'Giả Vờ' Khiến Tương Lai Con Cái Xán Lạn

8. Chăm sóc cơ thể

Dù bận rộn đến đâu, hãy nhớ ăn sáng. Đi ngủ sớm và dậy sớm và tập thể dục nhiều hơn. Chỉ với một cơ thể tốt, chúng ta mới có thể có một tương lai tốt hơn.

9. Học cách yêu bản thân mình

Yêu bản thân là thái độ yêu thương chính mình – xuất phát từ những hành động hỗ trợ sự phát triển về thể chất, tâm lý và tinh thần của chúng ta1. Nó có nghĩa là coi trọng sức khỏe và hạnh phúc của bạn, quan tâm đến nhu cầu của bản thân, không hy sinh hạnh phúc của mình để làm hài lòng người khác.

Yêu bản thân có rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của bạn, như tăng cường tự tin, giảm căng thẳng, hài lòng với bản thân, đồng cảm với người khác và phát triển toàn diện hơn

Nguồn sưu tầm

4 Kiểu Cha Mẹ 'Giả Vờ' Khiến Tương Lai Con Cái Xán Lạn

Tại sao nhiều cha mẹ thoạt nhìn có vẻ nuôi con rất "lười biếng", nhưng con cái vẫn ngoan ngoãn, tự lập? Bởi "lười biếng" ở đây được hiểu là đứng lùi lại, cho phép con được tự đối mặt với thách thức và vượt qua khó khăn, thay vì nhanh chóng chạy đến và gạt bỏ mọi chướng ngại vật trước mặt chúng. Nói cách khác, nuôi dạy con kiểu "giả vờ" chính là bí quyết của những phụ huynh này. Họ "đóng kịch" một cách có chủ đích và các con trở nên tự lập, chủ động nhờ việc đó.

Cùng Kiến Thức Nuôi Con Toàn Diện đọc hết bài viết nhé!



1. Bố mẹ giả không biết để kích thích tư duy của con 

Một người bố nọ thường cố tình "ăn gian" khi kiểm tra bài tập về nhà cho cậu con trai lớp 1. Ông sẽ hỏi con: "Câu hỏi này bố không chắc lắm, con có thể cho bố biết cô giáo đã dạy con như thế nào không?". Người con trai cẩn thận nhớ lại những gì đã học trên lớp và kể lại chi tiết cho bố mình một cách tự tin. Một hành động đơn giản như thế đã thúc đẩy cải thiện trí nhớ, khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt và sự tự tin của đứa trẻ.

Đối với những điều trẻ không hiểu, cha mẹ cũng nên tích cực "giả vờ" để phát huy tính ham học hỏi và khả năng chủ động khám phá của trẻ.

Một phụ huynh khác chia sẻ: "Một lần cả nhà đi chơi xa, cô con gái mê mẩn những bông hoa dại nhỏ xinh, hào hứng hỏi: Mẹ ơi, đây là gì? Tôi giả vờ lắc đầu bất lực: Mẹ cũng không biết, con viết hình dáng của những bông hoa ra giấy, ngày mai đến thư viện tra cứu!

Ngày hôm sau, tôi cùng con gái đến thư viện dành cho trẻ em, và chẳng mấy chốc, con bé đã tìm thấy những bông hoa dại trong album thực vật, học tên của những bông hoa và biết rằng những chúng có thể được dùng làm thuốc".

Cha mẹ thông minh không nhất thiết phải có khả năng trả lời "100.000 câu hỏi tại sao" của con cái, mà quan trọng hơn là khuyến khích trẻ khám phá bản thân. Quá trình này không chỉ là sự tích lũy kiến thức mà còn là sự phát triển các phương pháp và năng lực học tập.

Dạy một đứa trẻ câu cá tốt hơn là cho con con cá. Những đứa trẻ có thể tự khám phá, phân tích và giải quyết vấn đề là những đứa trẻ xuất sắc.

Xem thêm: Nhóm thực phẩm mẹ không nên cho bé ăn khi đói

2. Cha mẹ giả vờ yếu đuối để nâng cao tinh thần trách nhiệm của con cái

Con cái cũng có ý thức và trách nhiệm. Đứa trẻ là một thành viên trong gia đình, hãy để trẻ nhận ra rằng mình cần thiết và có cảm giác tồn tại. Giả vờ yếu đuối một cách thích hợp có thể kích thích sự đồng cảm và mong muốn được bảo vệ của trẻ.

Xem thêm: Vì Sao Trẻ Không Nghe Lời BẠN?

3. Cha mẹ giả vờ "trẻ con" để tăng cường mối quan hệ với con cái

Nhiều bậc cha mẹ hô hào "làm bạn" với con nhưng họ vẫn giao tiếp với con bằng suy nghĩ lý trí của người lớn. Nhiều thứ mà trẻ em rất quan tâm lại quá ngây ngô trong mắt cha mẹ, thậm chí họ còn lo lắng về vấn đề phát triển trí tuệ của trẻ. Nhưng họ đã thực sự bước vào thế giới nội tâm của trẻ thơ chưa?

Trên đời không thiếu những bậc cha mẹ yêu thương con cái, cái thiếu chính là họ chưa học cách nhìn thế giới từ góc nhìn của con. Giả vờ trẻ con không hẳn là làm như trẻ con, chỉ cần có trí tưởng tượng để nhìn vấn đề như bạn cùng độ tuổi của con cũng sẽ khiến quan hệ cha mẹ con cái gắn kết.

Xem thêm: 101 Cách Dạy Con Của Người Do Thái

4. Cha mẹ giả vờ "lười biếng" để rèn tính tự lập cho con

Julie Lythcott Haims, trợ lý hiệu trưởng của Đại học Stanford, cho biết: "Công việc của tôi là cung cấp một môi trường để các con trưởng thành, giúp con trở nên mạnh mẽ thông qua công việc và tình yêu".

Việc nhà là một phần quan trọng trong cuộc sống gia đình và là trách nhiệm chung của mọi thành viên. Các bậc cha mẹ quá siêng năng giúp con giặt quần áo và thu dọn đồ chơi của chúng, điều này hầu như làm giảm cơ hội vận động thực hành của trẻ. 3-6 tuổi là giai đoạn trẻ hình thành thói quen, việc được lo mọi thứ sẽ chỉ khiến trẻ phụ thuộc nhiều hơn vào cha mẹ trong cuộc sống. Đằng sau đứa bé khổng lồ thường là một người mẹ có thể làm tất cả. 

Khi trẻ khát, khuyến khích trẻ tự rót nước; khi trẻ chơi mệt, khuyến khích trẻ tự thu dọn đồ chơi; khi lau sàn nhà, hãy nói với trẻ rằng bố mẹ rất mệt, cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của trẻ. Những bậc cha mẹ biết cách giả vờ lười biếng thực sự đã tăng cơ hội cho con cái họ vận động, nuôi dưỡng tính độc lập, khả năng tự chăm sóc và sự tự tin của trẻ tốt hơn.

Nguồn sưu tầm